BSCK1. HOÀNG NGỌC MINH
Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y, được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3 năm 1948, Bác Hồ viết: “Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.
Cách đây đúng 70 năm, bức thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế toàn quốc tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, tháng 6 năm 1953, Bác Hồ cũng đã viết: “Tôi nêu mấy ý kiến sau đây để giúp các bạn nghiên cứu” – Còn bây giờ quý lãnh đạo ta cao siêu hơn nên gọi là “Phát biểu chỉ đạo” – Người khuyên rằng: “Lương y phải kiêm từ mẫu”, tức là người thầy thuốc phải làm luôn, gánh vác thêm, đảm nhiệm thêm thiên chức người mẹ, ngoài việc chữa bệnh, còn phải chăm sóc, vỗ về thương yêu người bệnh trong công tác điều dưỡng như chăm sóc con của mình.
Và đến năm 1955, thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế vào ngày 27.2, một lần nữa Bác khẳng định: “Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng“.
“Lương y phải như từ mẫu” được hiểu đúng hơn: “Thầy thuốc giỏi (lương y) phải giống như người mẹ hiền (từ mẫu)”. Không thể hiểu thiếu từ: “Thầy thuốc (thiếu chữ giỏi) như mẹ hiền” tức chỉ quan tâm đến “mẹ hiền” mà quên mất đi “thầy thuốc giỏi”. Có thể ví mẹ hiền là y đạo, y đức, còn thầy thuốc giỏi là công việc chuyên môn khám, chữa và phòng bệnh vậy, mà như ông tổ nghề y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Đúng vậy, nghề y mà thiếu đạo đức thì ân hận không kịp vì nó đã có thể làm chết người hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời cho họ và đặc biệt là làm mất đi niềm tin yêu phó thác sức khỏe và sự kính trọng mà người bệnh và xã hội đã dành cho ngành nghề y học!
Trong không khí nắng Xuân này, chúng ta tự hào rằng ngày 27 tháng 2 hằng năm là ngày mà xã hội nói chung và người bệnh nói riêng đều gửi tấm lòng để VINH DANH NGHỀ Y VÀ TRI ÂN THẦY THUỐC. Mong rằng ai trong đời cũng có một lần thầm cảm ơn (không phải mang ơn) một vị thầy thuốc nào đó! Ít nhất là nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2 mỗi năm.
Thực chất sự vinh danh, tri ân của ngày Thầy thuốc Việt Nam bây giờ có ý nghĩa hay không? Xin trả lời ngay rằng ngành, nghề Y rất đỗi xứng đáng và tự hào đứng trên bục vinh danh trọn đời, chứ không riêng gì ngày 27.2, vì đó là một ngành nghề đặc biệt, học Y đức trước khi học Y nghệ. Nên danh hiệu “từ tâm, từ mẫu” là tấm huy chương danh dự và muôn đời dành cho những thầy thuốc mang tấm lòng nhân từ, nhân hậu. Bên cạnh đó, còn có những ai làm nghề y chưa thấy, chưa xứng đáng và chưa tự hào khi được đón nhận niềm tri ân vinh dự trong những ngày này, thì xin quý vị đừng trách cứ nhân gian, nên cẩn trọng nhìn lại mình: “Tiên trách kỷ – Hậu trách nhân”.
Ba lần Bác căn dặn cán bộ y tế toàn quốc, lời người là một phương châm xuyên suốt để nhắc nhở, căn dặn và khích lệ người thầy thuốc chăm sóc người bệnh, với một tinh thần tận tụy như của một người mẹ ruột chăm bẵm cho con cái của mình. Những ngày 27.2 này câu “Lương y như từ mẫu” cũng gần nghĩa với câu “Y giả phụ mẫu tâm” (thầy thuốc [có] tấm lòng của cha mẹ), đều có ý so sánh sự quan tâm của người thầy thuốc với người bệnh như tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái mình vậy.