BSCK1. HOÀNG NGỌC MINH
Đạo đức y học đã được đề cập qua những tài liệu hướng dẫn về nhiệm vụ của thầy thuốc có từ thời cổ, như Hippocratic Oath, Giáo đoàn và giáo lý đạo Kitô. Thời Trung cổ đã có sách “Y học Hồi giáo” của Ishaq Bin Ali Rahawi viết về ứng xử của thầy thuốc, cuốn sách đầu tiên dành riêng cho đạo đức y tế. Từ thập niên 1970, ảnh hưởng ngày càng tăng của đạo đức trong y học hiện đại, đã được nhìn thấy từ sự giao tiếp khám chữa bệnh, qua mối quan hệ bệnh nhân và thầy thuốc. Từ đó hình thành các Ủy ban đạo đức trong bệnh viện, mở rộng vai trò của nhà đạo đức học lâm sàng, và đưa môn đạo đức y học vào chương trình giảng dạy nhiều trường y khoa trên thế giới. Tại Việt Nam, 12 điều y đức (ban hành năm 1996) là những quy ước và nguyên tắc bắt buộc các thành viên trong ngành y chấp nhận như là một tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức trong điều trị, giao tiếp và ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đồng nghiệp…
Giai đoạn hiện nay, nhiều khó khăn và thách thức cho ngành y tế đang “nở rộ”. Nhiều điều tiếng chẳng hay ho, dư luận không tốt, trái chiều về sự phục vụ của nhân viên y tế đang là căn bệnh trầm kha làm ảnh hưởng, suy giảm giá trị của đạo đức xã hội. Y đức, giá trị đạo đức của thầy thuốc dưới cái nhìn người bệnh e chừng đang đảo lộn và lụi tàn ở một số đơn vị điều trị. Việc thực hiện đủ và đúng 12 điều y đức xem ra là rất “xa xỉ”, vì vậy bệnh nhân chúng tôi chỉ xin được ước 3 điều mà thầy thuốc cần thực hiện trong số 12 điều Y đức đó thôi, còn những điều khác thì đã nằm trong Luật Viên chức và một số luật khác (nhưng các thầy thuốc cũng đã lỡ lãng quên hoặc cố tình quên lãng rồi!).
BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BỆNH NHÂN
- Điều ước thứ nhất (điều 1 trong Y đức), ước gì thầy thuốc có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vâng, quả là không dễ cho một điều ước có tính ước lệ, cao cả và sang trọng đến vậy. Vì rằng làm sao trong cơ chế khám chữa bệnh mang tính thị trường (nén bạc đâm toạc “đơn thuốc”), đồng lương thì mâu thuẫn với thời giá, đồng tiền thì không đuổi kịp với kinh nghiệm và kiến thức “update and upgrade” của thầy thuốc… thì điều ước này có lẽ nhiều kiếp sau cũng chỉ trở thành … điều đừng ước!
- Điều ước thứ hai (điều 3 Y đức), ước gì thầy thuốc tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; …. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải ước ao như vậy, bởi bệnh nhân chúng tôi nhận thấy đâu đâu cũng thấy những điều ngược lại, có những điều thực hiện rất tốt ở bệnh viện, phòng khám tư nhân, sao lại không làm được ở bệnh viện nhà nước? Người bệnh bây giờ rất đỗi tự hào được gọi là “khách hàng” và thậm chí là một món hàng hóa để trao đổi hòng sinh lợi và thầy thuốc luôn tôn vinh họ và gọi họ là “Thượng đế”. Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Lời dạy này chẳng lẽ bây giờ đã không còn giá trị ư?
- Điều ước thứ 3 (điều 6 Y đức), ước gì thầy thuốc kê đơn phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh. Thật vậy, kê đơn thuốc không đúng yêu cầu chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp là một hiện tượng không hiếm gặp ở một số thầy thuốc. Thỉnh thoảng, một số thầy thuốc phải đối mặt với áp lực công việc, với yêu cầu dịch vụ chẩn đoán và điều trị cao, đặc biệt là khi làm tư nhân, làm thêm ngoài giờ thì áp lực kinh tế, tính cạnh tranh nghề nghiệp luôn tồn tại thì việc lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc nhiều tiền, thuốc gần hết hạn để hưởng hoa hồng từ các hãng dược phẩm là điều đã xãy ra. Sử dụng thuốc không hợp lý, điều trị “bao vây”, lột vỏ, bóc nhãn, nghiền thuốc để che mắt bệnh nhân, qua mặt đồng nghiệp đã được nói đến; thậm chí một số thầy thuốc bị bệnh nhân gán cho là điều trị cầm chừng để “nuôi bệnh”… Thầy “ông nội” nuôi bệnh chứ không phải thầy thuốc chữa bệnh.
Không phải vậy đâu! Một số thầy thuốc còn lương tri cũng có lẽ đang gượng gạo yêu thương, nhịp sống còn len lỏi vài sóng nhân từ, cơn nghẹn “block” từ nhánh tim chạy lên chèn vào cổ họng, đến tai (chưa cần đến não) để lặng nghe lời cổ nhân truyền và Bác Hồ căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”, lời khuyên này luôn là ước mơ cho những ai đã, đang và sẽ gắn cả đời mình vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người. May thay, thực tế cuộc sống vẫn đang có những thầy thuốc tận tâm, những vị lương y đức độ, đơn cử như Bs A, ThS B, TS C… và quanh đây vẫn còn lảng vảng nhiều hình ảnh áo choàng trắng tinh tươm, thầm lặng an ủi, vỗ về, xoa dịu nỗi đau trần thế, để ba điều ước mơ của người bệnh chúng tôi, biết đâu một ngày nào đó cũng sẽ thành … mơ ước!!!